Tàu tuần dương hơi nước Tàu_tuần_dương

Trong thế kỷ 19, khi động cơ hơi nước bắt đầu trở nên thông dụng, hạm đội bắt đầu sử dụng cụ thể hơn từ "tuần dương" để chỉ một số tàu chiến bọc sắt cũng như là một hỗn hợp các tàu frigate, xà lúp và tàu corvette không bọc thép, hầu hết đều có hệ thống động lực hỗn hợp buồm và hơi nước.

Những chiếc tàu bọc sắt đầu tiên, do chỉ có một sàn pháo, vẫn được gọi là những "tàu frigate", cho dù chúng mạnh hơn nhiều so với những tàu chiến tuyến hiện có. Người Pháp chế tạo một số tàu bọc thép nhỏ hơn dành cho các nhiệm vụ tuần dương ở nước ngoài, bắt đầu với chiếc Belliqueuse, được đưa ra hoạt động vào năm 1865. Đây chính là những tàu tuần dương bọc thép đầu tiên.

Cho đến những năm 1870, nhiều nước khác đã chế tạo những tàu bọc sắt chuyên biệt dùng trong tuần tra và cướp phá nhanh và độc lập. Những tàu chiến này được gọi là những tàu tuần dương bọc thép. Cho đến những năm 1890, tàu tuần dương bọc thép vẫn còn được chế tạo với những cột buồm, cho phép chúng hoạt động cách xa các cảng tiếp than thân thiện.[3]

Các tàu tuần tiễu không bọc thép, được chế tạo bằng gỗ, sắt, thép hoặc là phối hợp các loại vật liệu trên, vẫn tiếp tục thông dụng cho đến cuối thế kỷ 19. Lớp vỏ giáp của các tàu bọc sắt có nghĩa là chúng bị giới hạn trong các hoạt động tầm gần với động cơ hơi nước, và nhiều tàu bọc sắt không phù hợp cho các nhiệm vụ ở tầm xa hay tại các thuộc địa xa xôi. Tàu tuần dương không bọc thép, thường là tàu xà lúp chân vịt hoặc tàu frigate chân vịt, có thể tiếp nối vai trò này. Mặc dù trong suốt thời kỳ giữa và cuối thế kỷ 19, tàu tuần dương hầu như được trang bị những khẩu pháo hiện đại bắn đạn pháo nổ, chúng vẫn không có khả năng đối đầu với những tàu bọc thép trong chiến đấu. Điều này đã được chứng minh trong trận đụng độ giữa HMS Shah, một tàu tuần dương Anh Quốc hiện đại, với chiếc monitor Peru Huáscar. Mặc dù chiếc tàu chiến Peru đã lạc hậu vào lúc xảy ra cuộc đối đầu, nó đã chịu đựng được khoảng 50 phát đạn pháo bắn ra từ chiếc tàu chiến Anh Quốc.